Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam
Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014
Phong tục thờ
cúng tổ tiên ở Việt Nam là tục lập bàn thờ người thân đã chết ở nhà và cúng bái
hàng ngày hoặc trong những dịp sóc vọng, giỗ, Tết... Người Việt Nam ngoài tôn
giáo của mình thường thờ cúng cả tổ tiên, kể cả những người theo Thiên Chúa
giáo.
Đối với người
Việt, tục thờ cúng tổ tiên gần như trở thành một thứ tín ngưỡng thờ cúng tổ
tiên, không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Thờ cúng là cách
biểu thị lòng nhớ ơn tổ tiên cũng như lòng thương và hiếu thảo đối với ông bà
cha mẹ. Đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt mà chúng ta cần
phải duy trì.
Bàn thờ gia tiên người Việt |
Vì vậy mà
trong gia đình mỗi người dân Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, một bàn thờ thổ
công táo quân. Tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình mà bàn thờ to hay nhỏ nhưng
phải được đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ. Trên bàn thờ có bày bát hương, lọ hoa, chén nước
để cúng bái những ngày giỗ, Tết. Những nhà nào có điều kiện thì bày thêm đồ thờ cúng bằng đồng
như đỉnh đồng, đôi hạc, chân nến, mâm bồng,… Bàn thờ luôn phải được giữ gìn sạch
sẽ, thanh tịnh. Có gia đình lúc nào trên bàn thờ cũng nghi ngút vài nén hương,
không để nguội lạnh, vì họ cho rằng điều đó sẽ đem lại sự yên lành cho con
cháu.
Hàng tháng cứ
ngày mồng 1, ngày rằm 15 âm lịch, con cháu thắp hương cúng tổ tiên, ông bà đã
khuất, không cần mâm cao cỗ đầy, chỉ cần bông hoa, chén nước, nén hương thơm với
lòng thành kính là được. Ngoài ra, cúng lễ còn có các ngày khác như ngày tết
ngày giỗ, ngày cưới, ngày tang, ngày sinh con, ngày động thổ làm nhà, ngày thi
cử, ngày xuất hành, cầu tai qua nạn khỏi, cầu an, cầu mua bán và rất nhiều việc
đều thắp hương. Đa số người đều có niềm
tin rằng, tổ tiên, ông bà mình có năng lực ban phúc hay trừng phạt con cháu.
Cho nên, việc thờ cúng tổ tiên ngoài ý nghĩa chính là con cháu “nối dõi tông đường”,
còn hàm ý “phù trợ” của ông bà cho con cháu phát đạt.
Thông thường
sau đám tang lễ người thân đã mất, gia đình làm lễ cúng 3 ngày, rồi 49 ngày, đến
giỗ đầu 1 năm thì làm rất trang trọng. Sau đó, hàng năm cứ đúng ngày người thân
đã mất thì gia đình đứng ra tổ chức ngày giỗ, mời bà con họ hàng đến cúng bái
và ăn giỗ. Dù gia đình nghèo cũng có mâm cơm, thắp hương cúng bái, mời vài người
thân đến tham dự. Sự vắng mặt của họ hàng trong những ngày giỗ là nỗi khổ tâm của
gia chủ và cũng là sự ân hận của những người được mời mà không đến dự.
Những gia
đình thờ phụng tổ tiên, đa số đều chọn đại sảnh gian chính để đặt bài vị tổ
tiên, một số khác xây một căn riêng bên cạnh để thờ.
Mỗi năm có
hai ngày giỗ cha và giỗ mẹ. Việc cúng tế tùy theo khả năng, nhưng chủ yếu là
chí thành, tinh khiết, nghiêm trang. Lễ vật được bày biện trật tự thứ lớp. Người
chủ lễ niệm hương khấn vái, lạy trước rồi đến người nhà khấn lạy sau. Con cháu ở
xa và con gái đã lấy chồng cũng phải tề tựu đầy đủ.
Ngoài việc mỗi
gia đình thờ phụng cha mẹ, những họ lớn, lâu đời có xây dựng “nhà thờ Họ” ở nơi
riêng, gọi đó là “Tổ Thố” hay “Từ Đường”. Vai trò của nhà thờ họ này rất quan
trọng cho sự gắn bó đoàn kết thâ tộc, hàng năm đều có “giỗ họ” rất trọng thể,
con cháu khắp nơi tụ về.
Như vậy,
trong quan niệm dân gian từ xưa đến nay, luôn luôn coi trọng việc cúng tế tổ
tiên, ông bà, cha mẹ, không phân biệt giai cấp, địa vị, sang hèn, giàu nghèo
…Đó là nét văn hóa chung của dân tộc.
Chia sẻ:
Chia sẻ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét